Lại thêm một chiếc đầu rơi

Đào đứng im lặng nhìn.

Nét sát khí như dịu đi trên gươ ng mặt trẻ . Từ nãy, Đào đã nghe có cái gì gợn nhẹ trong lòng. Và trong một thoáng Đào như quên đi việc phải làm, quên đi những điều đã gậm nhấm đêm ngày.

Nhưng chỉ một thoáng, chỉ một thoáng, hình ảnh đẩ m máu cái thân của cha hiện rõ trước mắt... Oán cừu lại nổi giận... Mặt Đào lại nóng lửa sát khí...

Đào thét:

  Thôi đi! Kẻ khẩu Phật tâm xà! Đừng nhiều lời để mong ta tha thứ! Ngươi phải chết!...

Lưỡi gươm hoa lên theo tiếng nói.

Tất cả như toàn thân ớn lạnh...

Nhưng Võ Nhân đã bước tới nâng lưỡi gươm, cùng với tiếng vội vàng:

  Xin tướng công cho mạt tướng được nói ít lời! Đào dừng tay, long mắt:

  Ngươi muốn gì?

Võ cuối đầu đáp:

  Bẩm, mạt tướng chưa bao giờ dám hé lời mỗi lúc tướng công rút gươm ra khỏi vỏ. Nhưng hôm nay...
 Thì sao?... Ngươi ngăn ta chăng?

  Bẩm không! Mạt tướng không dám thế! Mạt tướng chỉ cầu xin tướng công xét lại...

Không hiểu vì sao... bẩm tướng công, nói điều này mạt tướng biết sẽ chịu ngay sấm sét, búa rìu, nhưng xin tướng công thương, chứ quả tình, không hiểu vì sao mạt tướng lại cảm thấy Khổ Hạnh Hòa Thượng đáng kính hơn đáng hờn.

Đào quát ngay:

  Im đi! Ngươi lại có thể kính được kẻ đã giết cha chủ tướng ngươi sao? Lui đi đừng điên cuồng nói với ta những lời bất hiếu bất mục mà chết bây giờ!

Võ vẫn một giọng van nài:

  Xin cho mạt tướng cạn lời...

  Ta bảo im!... Có nghe chưa?

Đào bỗng nghiến răng... Và chớp mắt, vung mạnh một đường gươm không thương xót...

Người ta chỉ kịp nhìn thấy cái đầu trai trẻ của Võ băng đi và rơi bõm xuống lòng hồ sen bạch.

Một khoảng hoa lá rung rinh... Một ít máu hồng vương trên nhụy vàng cánh trắng...

Và khối thịt của Võ văng đi lăn lông lốc trên các bực thềm...

Bao bàn tay bụm lấy mặt.

Trời sương hải hùng, nức nở... Máu đã tuôn trên thôn Phượng Vĩ, và lệ sầu còn tuôn mãi nhiều hơn.

Diệu Liên Ni Cô đã quỵ xuống tự bao giờ, toàn thân rung rung trong lớp áo nâu sồng.

Và Khổ Hạnh Hòa Thượng cũng đã quỳ xuống! Mấy giọt nước mắt long lanh, nâng cái hình hài tắm máu lên tay thảm thiết:

  Mô Phật! Thân này của bần đạo có đáng gì để phải lụy đến người!... Có đáng gì!...

Đào vẫn như không nghe thấy gì cả với đôi mắt đỏ ngầu sòng sọc. Hết nhìn bọn tùy tướng len lét cúi đầu, Đào lại nhìn đám dân đen đang bàng hoàng trong nước mắt.

Và Đào quát giọng gằn gằn ghê gớm:

  Còn kẻ nào nữa? Muốn điên cuồng chết thế cho kẻ kia thì bước ra ta xem?...

Thâm tâm Đào tự cho đó là câu hỏi thừa. Nhất định là không có đến hai kẻ cuồng như Võ Nhân.

Nhưng kia...

Đào giật mình, nhìn một mái tóc già, một lưng khọm bước ra với một tiếng lạnh lùng.

  Tôi!

Không nói không rằng, Đào tím mặt nhảy vụt xuống bờ hồ vòng nguyệt.

Nhưng vừa đứng vững, Đào bỗng giật mình quay lại.

Ni cô Diệu Liên cũng đã đứt phắt dậy, và cũng với một tiếng lạnh lùng.

  Tôi!

Đào quắc mắt nhưng chân mày Đào cau lại.

Giữa lúc Khổ Hạnh Hòa Thượng vội thẳng người dậy vươn tay về phía trước, như cản ngăn:

  Mô Phật! Đừng! Đừng! Hãy để cho linh hồn bần đạo nhẹ nhàng siêu thoát. Rồi hướng về phía Đào người nói:

  Hãy giết tôi đi! Công tử! Và hãy tha cho những người vô tội, chao ôi! Đức Phật tổ vì người mà xả thân... Còn kẻ hèn này lại để cho người vì mình mà uổng tử!... Biết bao giờ!... Biết bao giờ ta mới được trả cho tròn!...

  Ngươi muốn gì nữa?

  Không! Không! Bần đạo không còn muốn gì nữa, ngoài cái muốn đem thân này để giải mối oan gia cho hai họ... Vì dân vì nước mà bần đạo gieo cái nhân thì bây giờ gặt cái quả, bần đạo cũng muốn vì dân vì nước... là mãn nguyện cho bần đạo lắm rồi! Công tử hãy cứ xuống tay đi, cho bần đạo khỏi còn rơi nước mắt và cho khỏi đổ thêm máu dân lành.

  Ngươi khỏi cần nài!... Nhưng ta muốn ban cho ngươi một ân huệ cuối cùng, để thiên hạ thấy rằng ta độ lượng khi giết một kẻ tay không...

Đào thu gươm lại, dằn dằn từ tiếng:

 Sám hối đi!... Ta cho ngươi một khắc cuối cùng để mà dọn mình...

  “Đại từ đại bi mẫn chúng sanh

Đại hỷ Đại xả tế hàm thức

Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm

Ngã đẳng chí tâm quy mạng lễ”

Boong!...

Nam Mô Quy Y Kim Cang Thượng sư...

Boong!...

Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng

Boong!...

Tiếng chuông đồng sám hối ngân trong gió sớm, buồn như tiếng thở dài không bao giờ dứt... Và lời kinh sám hối trên đôi môi già ướt lệ, cũng buồn như một lời than não nùng...

Khổ Hạnh Hòa Thượng cảm nghe lòng mình cũng đang ngân hồi nức nở. Chưa bao giờ người nghe mình đau đớn trong thời kinh sám hối như hôm nay.

Cũng chưa bao giờ với lời kinh này, tiếng chuông ngày, người lại nghe cái nguyện vọng cảnh tỉnh của mình tha thiết như hôm nay!

Và tất cả người dân Phượng Vĩ, cũng chưa bao giờ như hôm nay lại nghe lòng mình ấm ức nghẹn ngào, vì một âm thanh đồng vọng, cái âm thanh của hai buổi sớm chiều quen thuộc...

Diệu Liên Ni Cô nghe đau nhói theo từng mỗi tiếng đồng...

Ni cô cảm nghe, đó là tiếng đếm của tử thần đang lăm le lưỡi hái... Người cảm thấy nó sẽ giơ lên và nó sẽ hạ xuống... ghê gớm trên tấm thân già của sư phụ khi tiếng đếm cuối cùng vừa dứt... Than ôi! Suốt bốn năm đằng đẵng, công ân dẫn dắt qua khỏi vòng nghiệp chướng tham, sân, si... Công ân truyền dạy lẽ cứu đời... nào biết là bao nhiêu?

Giờ đây không thể không đền đáp! Không thể không giữ cho tấm áo cà sa kia của sư phụ đừng vấy máu!

Boong!

  Xin ngài hãy giết tôi! Hãy giết tôi!... Và xin tha cho một công đức tuổi tác để người sống nốt quãng đời đạo hạnh của người!... Van ngài... Van ngài bằng lòng đi đừng để đến dứt tiếng chuông cuối cùng...

Bờ mi đẹp đọng lệ long lanh, như sương tươm đầu lá ướt.

Đào nhìn vào đó chân mày cau lại. Rồi bỗng quay đi, răng cắn lấy bờ môi...

Nhưng mắt Đào lại vấp phải trăm ngàn bờ mi khác cũng đang đọng lệ long lanh.

Và từ nơi đó, và khắp cả rền lên những lời cầu nguyện tha thiết:

  Mô Phật xin hãy thoa dịu hờn căm trong lòng người, xin đừng để... đừng để máu rơi thây ngã... Đừng để cho oán thù truyền kiếp chất chồng.

Đào quay mặt đi cố giữ cho lòng không rung động. Nhưng cái hình hài không đầu chưa khô máu lại đón mặt Đào. Đào nhìn thấy từ nơi đó... từ khắp cả, từ trên mỗi lòng hoa, mặt lá, hiển hiện đôi mắt sầu ai oán của Võ... Những đôi mắt sầu ngập lệ khác... Những lời than não nùng, những tiếng thét kinh hoàng, những đầu rơi lông lốc, những hình hài máu đỏ... Chao ôi sao mà thê thảm thế này! Sao mà ghê tởm thế này!

Và những lời kinh, những tiếng chuông kia! Oan hồn nức nở đó chăng?

Bất giác Đào rùng mình, có cái gì ớn lạnh luồn nhanh trong đường gân thớ thịt...

Và thanh Ngân tuyền rời khỏi bàn tay đang nắm. Trong kia, qua khói trầm xao động, tượng Đức Thích Ca buồn rầu ánh mắt, Đào thấy như đang đau xót nhìn mình.

Không còn kềm chế được nữa, xúc cảm dâng tràn... thổn thức.

Đào ngoảnh mặt quay ra...

Rồi giữa tiếng đại hồng chung vừa vang dậy, Đào chạy vụt  đi ra cửa tam quan...lệ mờ đất sớm...

Từ đó bóng Đào biệt tích.

Mười năm sau, những ai thường đi ngang qua thôn Hoàng Mai yên lành ở cuối dãy Trường Sơn đều biết vị Hòa Thượng trụ trì am Đại Hạnh.

Người còn trẻ, da mặt hồng hào mặc dù trải bao nhiêu năm tu khổ hạnh. Không ai biết người từ đâu đến tên thật là gì ngoài pháp danh Giác Minh.

Đạo Hạnh của người đã truyền tụng cả một vùng rộng lớn.

Người ta kể rằng:

  Giác Minh Hòa Thượng đã từng cởi áo cà sa của mình đắp cho một người ăn xin nghèo đói đang run rẩy bên đường. Người đã từng thức trắng bao nhiêu đêm để dỗ giấc ngủ, Người đã từng nắm lấy tay cày, cày giúp cho một quả phụ nghèo, mảnh ruộng cao cằn cỗi bên đồi. Những đêm khuya tăm tối, dù giữa trời giông gió, dù dưới cơn rét tận tâm can, hay mưa dầm gió buốt, người ta vẫn thấy một ánh đuốc lập lòe của Hòa Thượng xuống đồi đi lần vào lòng thôn xóm đang cần đến người... Và không biết bao nhiêu lần nữa... Mọi việc người làm để cứu nhân độ thế, chưa từng có một ai tích cực bằng.

Người thường nói rằng:

  Tội lỗi ngày xưa của bần đạo rộng như Đông Hải, nặng như núi Trường Sơn, bốn đại dương nước mắt của chúng sinh quả đã có bàn tay của bần đạo làm nên trong đó không ít, thì khổ hạnh mười năm nào có nghĩa gì?...

Cho nên đêm đêm, giữa thả o am chậ p chờn ánh nến khói hương tỏa mịt trước Phật Đường, lời kinh sám hối của người vẫn buồn như một lời than não nùng.

Và cùng với lệ nến, nước mắt của người chảy mãi không ngừng...